Đừng thờ ơ với những dấu hiệu bất thường của trẻ
VHO- Ngày 5.4, thông tin một học sinh nam lớp 9 tại Thanh Hóa nhảy xuống sông tự tử đã bùng lên nỗi đau mà nhiều người đang cố nén lại về 2 học sinh ở Hà Nội và Bắc Ninh cũng hành động như vậy trước đó mấy hôm.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh khám sức khỏe tâm lý cho trẻ Ảnh: TRẦN THU
Sự ra đi đột ngột của các cháu đã khiến không ít bậc cha mẹ bàng hoàng và giật mình nhận ra “hình như con mình cũng có dấu hiệu khác thường”…
Vội vàng đưa con đi khám
Một bé gái lớp 8 ở Hà Nội sau hơn một năm học online thường có biểu hiện tâm lý bất ngờ, hay khóc, thường chỉ muốn ở một mình. Trước thái độ của con, chị N.T.H (quận Hà Đông, Hà Nội) đã đưa con đến Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) để khám. Chị đưa con gái đến khám ngay sau khi biết thông tin về 2 học sinh ở Bắc Ninh và Hà Nội tự tử (ngày 31.3 và 1.4). Cùng với chị H, nhiều phụ huynh cũng chờ tới lượt để được bác sĩ khám, tư vấn về tình trạng rối loạn cảm xúc của con mình. Có con trai đang học lớp 6, chị Đ.M.L (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 3 năm nay, con chị không kiềm chế được cơn tức giận. Cháu bình thường tính cách rất hiền, nhưng khi có mâu thuẫn với người khác thì không kiểm soát được hành vi. “Thậm chí, khi con đang làm một việc gì đó mà bị bế tắc thì vùng vẫy chân tay, phản ứng quá mức. Một năm cháu vài lần có biểu hiện cáu giận quá mức, có lúc cục tính làm tôi rất sợ. Mọi người bảo tôi đưa con đi khám lâu rồi, nhưng đến nay mới đưa cháu đến đây”, người mẹ này cho hay.
Là người trực tiếp khám cho trường hợp này, TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên cho rằng, có thể bé trai chưa được quan tâm đúng mức nên gia đình cần về động viên, trò chuyện và hiểu tâm tư của con nhiều hơn. “Có khá nhiều trường hợp bị rối loạn tâm lý tuổi học đường được bố mẹ đưa tới bệnh viện để khám. Biểu hiện của các cháu là mất ngủ, gặp khó khăn trong học tập, rối loạn hành vi cảm xúc dẫn đến hành vi tự tử, có cháu được cứu sống, nhưng cũng có cháu không qua khỏi”, TS Ngô Anh Vinh nói.
Giận dữ vô cớ, buồn chán, lo âu… là những triệu chứng của rối loạn tâm lý ở trẻ cần được các bậc cha mẹ, thầy cô, người gần gũi trẻ phát hiện và tìm cách để xử lý. Đây chính là những dấu hiệu ban đầu dẫn đến hành vi tự tử ở trẻ. Theo số liệu của một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,39%; trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%; trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%; trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Các chuyên gia cho rằng, đây là con số đáng lo ngại và vấn đề quan trọng, nó như một tiếng chuông báo động để cả xã hội cần nhìn lại và chính bản thân trẻ vị thành niên cũng nhìn lại cảm xúc, nhận thức, cuộc sống của chính mình để làm sao sống có ý nghĩa.
Hãy biết lắng nghe
Là tác giả bộ sách “Dạy con trong hoang mang”, ông Lê Nguyên Phương, Tiến sĩ chuyên ngành Tâm lý Giáo dục (tại Đại học Southern California, Mỹ) đã chỉ ra những quan niệm sai lầm của một số bậc cha mẹ khi thấy những dấu hiệu bất thường ở con mình. “Nhiều khi chúng ta nói rằng “chó sủa thì không cắn”, vì thế, khi đứa trẻ nói con sẽ tự sát, đôi khi chúng ta nghĩ nó nói vậy sẽ không làm. Nhưng điều đó không chính xác, nhiều đứa trẻ nói vậy là sẽ làm. Thứ hai là không được nói điều đó trước mặt con cái, vì nói đến tức là nhắc nó tự sát. Tuy nhiên, chúng ta chỉ nhắc tới trong tinh thần thảo luận cởi mở, hỗ trợ lẫn nhau”, TS Lê Nguyên Phương cho hay.
“ Khá là lâu rồi mình không chia sẻ chuyện gì với bố mẹ, nhất là mẹ mình, vì mình cảm thấy mình không được lắng nghe. Cách họ lắng nghe khác với cách mình muốn được lắng nghe”, là lời tâm sự của một trẻ vị thành niên đã gửi về Chương trình Tâm lý học thiết yếu cũng do TS Lê Nguyên Phương sáng lập. Ông cho biết, khi hỏi về mục đích tương lai, các em đều mong được vào các trường danh tiếng. Khi hỏi thêm, đa số đều không thể nói rõ mục đích đời mình, một số lớn lại bắt đầu mỗi câu bằng điệp khúc “mẹ em muốn”, “ba em muốn”, “thầy cô em muốn”… Trong khi các ông bố bà mẹ “hớn hở” khoe con học trường chuyên, lớp giỏi trên mạng xã hội hoặc mỗi khi gặp mặt bạn bè trong các buổi hội hè thì các em vẫn chưa tìm được định nghĩa hạnh phúc của riêng mình. Các em đang cố gắng thành công theo định nghĩa của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và của xã hội nhưng không phải của các em.
Khi áp lực tăng lên, cuộc sống bế tắc, không thấy hạnh phúc, trẻ không chia sẻ hoặc không được lắng nghe dần sẽ dẫn đến rối loạn tâm lý, thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm. Các chuyên gia khẳng định, trẻ em và thiếu niên khi bị trầm cảm không thể tự thoát ra khỏi chứng này. Nếu để không chữa trị, trầm cảm có thể dẫn tới việc học hành sút kém, rối loạn hành vi và phạm pháp, chứng nhịn ăn hay ăn nhiều, chứng sợ hãi trường học, những cơn khủng hoảng, sử dụng ma túy và kể cả tự tử.
“Chúng ta cần nhận diện sớm để phát hiện ra những nguy cơ đối với trẻ. Chúng ta hãy để một ít thời gian quan tâm tới tinh thần con em thân yêu của mình. Những tiện nghi vật chất dù có giá trị cũng không bằng một ánh mắt, nụ cười, và bờ vai của những người thương yêu. Và hãy giúp các em tự tìm định nghĩa cho hạnh phúc và lý tưởng của riêng mình. Vì không ai có thể bình an với một thành công không có bóng dáng của hạnh phúc”, TS Lê Nguyên Phương nhấn mạnh.
QUỲNH HOA